Công ước Rotterdam Điều 1 – 2 – 3 – 4

Năm 2007, Việt Nam tham gia Công ước Rotterdam của Liên Hợp Quốc về thủ tục thỏa thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế

Về thủ tục thỏa thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế.


ĐIỀU 1
Mục tiêu

Mục tiêu của Công ước là đẩy mạnh nỗ lực hợp tác và chia sẻ trách nhiệm giữa các Bên tham gia Công ước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường trước những tác hại tiềm tàng do các chất này gây ra, đồng thời góp phần sử dụng chúng một cách hợp lý về môi trường thông qua việc tăng cường trao đổi thông tin về đặc tính của các hóa chất, hỗ trợ các quá trình quyết định quốc gia về xuất nhập khẩu các chất này và phổ biến những quyết định đó cho các Bên khác của Công ước.

ĐIỀU 2
Các định nghĩa

Trong khuôn khổ của Công ước:

(a) “Hóa chất” là những chất dưới dạng đơn chất, hợp chất hỗn hợp hoặc chất pha chế được sản xuất trong công nghiệp hay được tạo thành từ tự nhiên mà không chứa bất kỳ một thành phần sinh vật sống nào. Hóa chất bao gồm các loại sau: thuốc bảo vệ thực vật (kể cả một số loại đặc biệt nguy hại) và hóa chất công nghiệp;

(b) “Hóa chất cấm” là hóa chất mà mọi loại hình sử dụng của một hay những dạng của hóa chất này đã bị cấm bởi một hành động pháp lý cuổi cùng nhằm bảo vệ sức khỏe con người hoặc môi trường. Định nghĩa này bao gồm cả những hóa chất không được phê chuẩn cho lần đầu tiên sử dụng hay bị thu hồi bởi cơ sở công nghiệp hoặc từ thị trường nội địa hoặc từ trong quá trình xem xét phê chuẩn trong nước sau đó, khi có những bằng chứng rõ ràng rằng những hành động như vậy được thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường;

(c) “Hóa chất được kiểm soát nghiêm ngặt” là hóa chất mà hầu hết mọi loại hình sử dụng của một hay những dạng của hóa chất này đã bị cấm bởi hành động pháp lý cuổi cùng nhằm bảo vệ sức khỏe con người hoặc môi trường, trừ một số loại hình sử dụng đặc biệt nhất định vẫn còn được phép. Định nghĩa này bao gồm cả các hóa chất mà hầu hết mọi loại hình sử dụng không được phê chuẩn hay bị thu hồi bởi cơ sở công nghiệp hoặc từ thị trường nội địa hoặc từ trong quá trình xem xét phê chuẩn trong nước sau đó, khi có những bằng chứng rõ ràng rằng những hành động như vậy được thực hiện nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường;

(d) “Hợp chất bảo vệ thực vật đặc biệt nguy hại” là hóa chất được điều chế với công dụng bảo vệ thực vật nhưng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người và môi trường mà có thể quan sát thấy trong một thời gian ngắn sau khi bị phơi nhiễm hóa chất này một hoặc nhiều lần trong điều kiện sử dụng;

(e) “Hành động pháp lý cuối cùng” là hành động được một Bên thực hiện mà không cần những hành động pháp lý tiếp theo để cấm hoặc kiểm soát nghiêm ngặt một hóa chất;

(f) “Xuất khẩu”“nhập khẩu” hiểu theo nghĩa rộng là sự vận chuyển của một hóa chất từ một Bên tới một Bên khác, trừ các hoạt động quá cảnh đơn thuần;

(g) “Bên” là một quốc gia, hoặc một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực đồng ý chịu sự ràng buộc của Công ước và do vậy Công ước có hiệu lực với quốc gia hoặc tổ chức đó;

(h) “Tổ chức hội nhập kinh tế khu vực” là một tổ chức được các Quốc gia có chủ quyền trong một khu vực nhất định thành lập và trao thẩm quyền đối với những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước; là tổ chức có đầy đủ thẩm quyền ký, phê chuẩn, tán thành, thông qua hoặc tham gia Công ước theo đúng các thủ tục nội bộ của tổ chức đó;

(i) “Ủy ban Xét duyệt hóa chất” nghĩa là một cơ quan trực thuộc Công ước được quy định tại khoản 6 của Điều 18.

Phạm vi điều chỉnh của Công ước và Việc chỉ định cơ quan thẩm quyền quốc gia.


ĐIỀU 3

Phạm vi điều chỉnh của Công ước

1. Công ước áp dụng đối với:
(a) Các hóa chất cấm hoặc hóa chất được kiểm soát nghiêm ngặt;
(b) Các hợp chất bảo vệ thực vật đặc biệt nguy hại.

2. Công ước không áp dụng đối với:
(a) Thuốc gây mê và thuốc tâm thần;
(b) Vật liệu phóng xạ;
(c) Chất thải;
(d) Vũ khí hóa học;
(e) Dược phẩm gồm thuốc cho người và thuốc thú y;
(f) Các hóa chất phụ gia thực phẩm;
(g) Thực phẩm;
(h) Các hóa chất với liều lượng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường miễn là các hóa chất này được nhập khẩu với điều kiện sau:
(i) Cho mục đích nghiên cứu hay phân tích; hoặc
(ii) Bởi một cá nhân vì mục đích sử dụng riêng của người này với liều lượng phù hợp với mục đích đó.

ĐIỀU 4

Chỉ định cơ quan thẩm quyền quốc gia

1. Mỗi Bên phải chỉ định một hoặc một số cơ quan thẩm quyền quốc gia thay mặt Bên đó thực hiện các chức năng quản lý hành chính mà Công ước quy định.
2. Mỗi Bên phải tìm cách đảm bảo cơ quan thẩm quyền hoặc các cơ quan thẩm quyền này có đầy đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình.
3. Mỗi Bên phải thông báo tên và địa chỉ của cơ quan thẩm quyền hoặc các cơ quan thẩm quyền này đến Ban Thư ký không muộn hơn ngày Công ước có hiệu lực đối với Bên đó. Bên đó phải lập tức thông báo đến Ban Thư ký bất kỳ thay đổi nào về tên và địa chỉ của cơ quan thẩm quyền hoặc các cơ quan thẩm quyền này.
4. Ban Thư ký phải lập tức thông báo cho các Bên khác những thông tin nhận được theo khoản 3.