Amiăng trắng: Cấm hay không cấm?

Thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã đề xuất Dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia loại trừ các bệnh liên quan đến a-mi-ăng”. Thông tin trên khiến dư luận xôn xao về việc các sản phẩm chứa sợi a-mi-ăng trắng có khả năng bị cấm hoàn toàn do chứa chất gây ung thư, ảnh hưởng tới hàng nghìn người lao động trong các nhà máy.

A-mi-ăng trắng có độc?

A-mi-ăng là tên thương mại dùng chung cho các loại sợi khoáng. Sợi a-mi-ăng được chia thành hai nhóm chính: xanh – nâu và trắng. Theo nghiên cứu của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội (QH), trong khi loại xanh – nâu có chu kỳ bán tiêu hủy chậm, gây các khối u khi lọt vào phổi và phát tác thành ung thư hoặc các bệnh về phổi sau 10-20 năm, thì loại trắng sẽ bị đào thải khỏi phổi từ 0,3-11 ngày hoặc bị phân hủy bởi môi trường a-xít trong cơ thể.

Chính vì lý do này, a-mi-ăng với những tính năng vượt trội như độ bền cơ học, tính đàn hồi cao, chịu ma sát tốt, chống cháy, cách điện, cản khuẩn… đã trở thành nguyên liệu xây dựng đầu vào hữu ích cho hơn 3.000 loại sản phẩm, trong đó rộng rãi nhất là các sản phẩm fibro xi-măng và tiêu biểu là tấm lợp sóng a-mi-ăng xi-măng, vật liệu cách điện, dùng trong ngành công nghiệp ô-tô, hàng không, dầu mỏ, v.v…

Thống kê của Ủy ban KHCN&MT của QH cho biết, hiện có 57 quốc gia cấm sử dụng các loại sợi a-mi-ăng, 147 quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép sử dụng a-mi-ăng trắng, các sản phẩm chứa a-mi-ăng trắng, trong đó có nhiều nước phát triển như Mỹ, Canada, LB Nga… Đáng chú ý, tại ASEAN chưa có nước nào cấm. Có một trường hợp đặc biệt là Singapore từng cấm a-mi-ăng, nhưng đã rút lệnh cấm vào năm 2010.

Thế nhưng, liệu a-mi-ăng trắng có hoàn toàn vô hại như nhiều nghiên cứu đã thống kê? Tại Hội nghị “Việc sử dụng a-mi-ăng trắng tại Việt Nam và thế giới”, do Ủy ban KHCN&MT của QH và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH phối hợp tổ chức hôm nay 28-7 tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An, đại biểu QH khóa XIII, Viện trưởng Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng, đã thẳng thắn nêu ý kiến: A-mi-ăng đáng lẽ phải được cấm từ lâu, bởi các tác động tiêu cực đến sức khỏe của các sản phẩm liên quan đã được một số nước phát triển nghiên cứu và công bố kết quả rõ ràng.


Tấm lợp fibro xi-măng, với thành phần chủ yếu là sợi a-mi-ăng trắng, vẫn đang được sử dụng rộng rãi tại nước ta.

“Nhiều nước phát triển đã ghi rõ trên các sản phẩm chứa sợi a-mi-ăng trắng là độc hại, nhưng không hiểu sao ở Việt Nam lại không ghi? Thật lạ lùng là những quốc gia ủng hộ Việt Nam nhập khẩu các sản phẩm này đều là ‘đại gia’ trong ngành công nghiệp sản xuất, xuất khẩu a-mi-ăng trắng trên thế giới”, PGS.TS Bùi Thị An đặt vấn đề.

“Cách đây khoảng 15-20 năm, khối lượng sản phẩm chứa sợi a-mi-ăng tại Mỹ lên tới mấy trăm nghìn tấn, nhưng hiện nay đã thu hẹp chỉ còn sử dụng chủ yếu trong công nghiệp quốc phòng. Không những vậy, nếu để xảy ra vấn đề ảnh hưởng môi trường quốc gia, các doanh nghiệp sản xuất a-mi-ăng cũng như các sản phẩm liên quan sẽ bị phạt vô cùng nặng”, bà An nói.

Đồng quan điểm với ý kiến của PGS.TS Bùi Thị An, Ông Ngọ Duy Hiểu, Trưởng Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) khẳng định: nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác hại gây ung thư của a-mi-ăng trắng.

“Năm nghìn lao động bị ảnh hưởng, nếu tính trên tổng số 55 triệu lao động thì không phải con số lớn. Nếu có chuyển đổi, họ cũng không bị mất việc làm, mà còn có cơ hội lao động trong môi trường an toàn hơn, bền vững hơn. Người tiêu dùng nếu phải bỏ tiền thay thế vật liệu mới thì cũng không còn phải lo lắng về chi phí y tế sau này. Chúng ta không thể để người công nhân ốm đau, mắc bệnh tật từ môi trường làm việc, càng không thể để hàng triệu người dân có nguy cơ mắc ung thư trong chính ngôi nhà của mình”, ông Hiểu lo ngại.

Doanh nghiệp “kêu trời”

Tại Việt Nam, a-mi-ăng trắng được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp ứng dụng. Thực tế cho thấy, ngành tấm lợp fibro xi-măng đáp ứng khoảng 62% nhu cầu tấm lợp hằng năm phục vụ người dân thu nhập thấp, góp phần hiệu quả vào các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, điển hình như Chương trình 135, Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình thực hiện Quyết định 167… đồng thời, sử dụng rộng rãi trong xây nhà tạm nhằm khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo thống kê, ở Việt Nam, sản phẩm chứa sợi a-mi-ăng trắng đã được sử dụng hơn 100 năm. Ngành sản xuất tấm lợp fibro xi-măng của nước ta hiện có 39 cơ sở với 52 dây chuyền, tổng công suất thiết kế 104 triệu m2/năm (chiếm 40-42% thị phần). Từ năm 2002, đã có một số nhà máy thử nghiệm dây chuyền công nghệ không a-mi-ăng, tuy nhiên sản phẩm có tuổi thọ, hiệu quả sử dụng thấp hơn và giá thành cao hơn.

Sợi amiăng trắng

Về các ý kiến liên quan đến Kế hoạch Hành động Quốc gia loại trừ các bệnh có liên quan đến a-mi-ăng giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (gọi tắt là KHHĐQG), đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam và Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cùng cho rằng, việc cấm sử dụng a-mi-ăng trắng sẽ gây gánh nặng kinh tế cho Chính phủ, các ngành công nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Dẫn số liệu “Đánh giá tác động kinh tế nếu cấm sử dụng a-mi-ăng trắng tại Việt Nam – Trường hợp tấm lợp fibro xi-măng” của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) – 2015, đại diện Hiệp hội Tấm lợp Việt Nam cho biết: việc thay đổi công nghệ, lắp đặt trang thiết bị và đào tạo lao động sẽ khiến ngành sản xuất tấm lợp fibro xi-măng phải chi một khoản là 395,2 tỷ đồng. Chi phí người tiêu dùng phải trả nếu thay thế tấm lợp fibro xi-măng bằng tấm lợp PVA là 183,5 nghìn tỷ đồng. Trường hợp nếu lựa chọn sản phẩm khác, số tiền này sẽ rơi vào khoảng 300-600 nghìn tỷ đồng.

Thành lập tháng 10-2010 tại khu công nghiệp Bỉm Sơn (thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa), Công ty cổ phần Phương Bắc sản xuất và tiêu thụ tấm lợp fibro xi-măng với công suất thiết kế khoảng hai triệu m2/năm/dây chuyền. Qua hoạt động khoảng gần 7 năm, Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng cùng các chuyên nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, dây chuyền sản xuất thân thiện môi trường.

Ông Võ Xuân Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Phương Bắc, khẳng định: trong các đợt khám sức khỏe và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động của đơn vị, chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh nghề nghiệp do a-mi-ăng hoặc các bệnh do tiếp xúc trực tiếp với a-mi-ăng trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

“Việc thổi phồng sự độc hại của a-mi-ăng trắng là không có cơ sở khoa học và không có thật ở Việt Nam, gây tâm lý hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ, làm tổn thất nặng nề cho doanh nghiệp. Tôi đề nghị mọi đề xuất cấm hoặc hạn chế sử dụng a-mi-ăng trắng phải có đủ căn cứ trên cơ sở bằng chứng khoa học. Đồng thời, cần sự ổn định về chính sách để yên tâm đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, bảo đảm đời sống người lao động”, ông Hùng nêu nguyện vọng.

Thận trọng về mặt quan điểm chính sách

Theo các số liệu khác nhau, đến nay nước ta có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất tấm lợp có sử dụng a-mi-ăng trắng, với công suất khoảng hơn 100 triệu tấn/năm, tổng số lao động khoảng 5-6 nghìn người. Qua kiểm tra thực tế của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, phần lớn các cơ sở sử dụng công nghệ cũ, mặc dù có cải tiến và từng bước chuyển đổi nhưng chưa thể hoàn toàn bảo đảm; công nghệ, quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn và an toàn vệ sinh lao động tốt chủ yếu tập trung trong các cơ sở có quy mô và đầu tư lớn.

Đồng chí Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH, cho rằng, vì sức khỏe của nhân dân và cộng đồng, cần nhìn xa, trông rộng, tránh hậu quả lâu dài và gắn với phát triển, tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

“Việc loại bỏ a-mi-ăng trắng cần được nhìn tổng thể cả về góc độ y tế, sức khỏe, kinh tế nhưng cũng phải hài hòa từ phía nhà đầu tư, sản xuất và người lao động liên quan. Tuy nhiên, dứt khoát phải có lộ trình rõ ràng và có bước chuyển tiếp để công khai và tạo sự đồng thuận từ tất cả các bên. Đặc biệt, cần chủ động tuyên truyền để người dân hiểu, chia sẻ và thích ứng với chuyển đổi, tránh gây hoang mang dư luận”, ông Lợi nhấn mạnh.

Đồng chí Bùi Sĩ Lợi nêu một số vấn đề như: các cơ quan, tổ chức ần “ngồi lại với nhau” để trao đổi, tìm ra phương án đồng thuận. Theo đó, các ý kiến phải khách quan, đặc biệt là có trách nhiệm với xã hội, vì dân và vì lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và các hiệp hội, doanh nghiệp cũng như chính quyền địa phương có báo cáo đầy đủ về vấn đề này. “Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH và Ủy ban KHCN&MT của QH sẽ phối hợp tổ chức giám sát chuyên đề để đưa ra quyết định”, ông Lợi nói.

LINH PHAN