Công ước Rotterdam
Công ước Rotterdam là một hiệp định đa phương nhằm thúc đẩy việc chia sẻ trách nhiệm trong việc nhập khẩu các hóa chất độc hại. Công ước thúc đẩy sự trao đổi thông tin một cách minh bạch cởi mở và kêu gọi các nhà xuất khẩu sử dụng nhãn phù hợp, bao gồm hướng dẫn xử lý an toàn và thông báo cho người mua về bất kỳ hạn chế hay lệnh cấm nào. Hội nghị Rotterdam Convention lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2004 tại Geneva, Thụy Sỹ.
Vấn đề đưa amiăng trắng vào Phụ lục III được đề xuất vào Hội nghị lần thứ 2 năm 2005 và chính thức được đưa vào bàn luận lần đầu tiên vào COP3 năm 2008. Tuy nhiên cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa đi đến hồi kết do chưa nhận được sự đồng thuận từ tất cả các thành viên Công ước.
Tại phiên họp lần này, vấn đề này lại được đưa ra bàn luận và nhận được sự quan tâm từ nhiều quốc gia cũng như các tổ chức. 22 thành viên của Công ước và 5 đại diện không phải thành viên đã đóng góp ý kiến về đề xuất này, trong đó:
- 15 thành viên ủng hộ đề xuất đưa amiăng trắng vào danh mục III bao gồm: Canada, Ecuador, Nepal, Congo, Columbia, Cộng đồng chung Châu Âu, Uruguay, Malaysia, Nigeria, Na Uy, Tonga, Senegal, Serbia, Peru và Úc.
- 7 thành viên phản đối đề xuất đưa amiăng trắng vào danh mục III bao gồm: Liên Bang Nga, Ấn Độ, Zimbabwe, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Syria và Belarus. Các quốc gia này phản đối việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục III với lý do không đủ bằng chứng khoa học thuyết phục về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người của sợi amiăng trắng.
- 4 đại diện không phải thành viên Công ước ủng hộ đề xuất đưa amiăng trắng vào Annex III bao gồm: Iraq, Tổ chức y tế thế giới (WHO), Liên minh Công ước Rotterdam (ROCA) và Công đoàn Quốc tế IndustruALL (IndustriALL Global Union).
- 1 đại diện không phải thành viên Công ước phản đối đưa amiăng trắng vào danh mục III: Liên minh Công đoàn Amiăng trắng Quốc tế.
Đề xuất bổ sung điều khoản Mục 22 của Công ước Rotterdam
Đặc biệt tại lần họp này, nhằm mục đích đưa amiăng trắng vào Phụ lục III Công ước Rotterdam mà 12 quốc gia Châu Phi (Botswana, Cameroon, Ghana, Kenya, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nigeria, Swaziland, Tanzania và Zambia) đề xuất thay đổi Mục 22 nhằm thay đổi quy trình bầu chọn dành cho những hóa chất được đề nghị bởi hội đồng giám định hóa chất (Chemical Review Committee). Các quốc gia ủng hộ đưa amiăng trắng vào Phụ lục III đang hướng tới xóa bỏ cơ chế đồng thuận của Công ước và chuyển sang cơ chế quyết định được đưa ra bởi số đông. Do số thành viên phản đối chỉ còn là thiểu số nên việc đưa amiăng trắng vào Phụ lục III vốn kéo dài nhiều năm nay vì thế sẽ trở thành sự thực nếu Mục 22 bị sửa đổi.
Mục 22 Công ước Rotterdam: Về thực thi và thay đổi các phụ lục
Khoản 4 mục 22 (Được đề xuất loại bỏ) đề cập về quy trình áp dụng khi đề xuất, thực thi và áp dụng các thay đổi cho Phụ lục III:
- Việc thay đổi Phụ lục III sẽ được đề xuất và bàn luận theo quy trình được đề cập từ Mục 5 tới 9 và khổ 2 Mục 21.
- Hội nghị các bên sẽ quyết định việc áp dụng dựa theo cơ chế đồng thuận.
- Quyết định thay đổi Phụ lục III sẽ được thông báo tới các thành viên bởi Hội đồng Công ước. Thời gian áp dụng các điều khoản thay đổi với tất cả thành viên sẽ được thông báo trong quyết định.
Theo bản đề xuất này, do một số hóa chất đã được đề nghị đưa vào Phụ lục III của Công ước Rotterdam trong nhiều năm nay nhưng không đạt được đồng thuận, Mục 22 về quy trình hoạt động của Công ước cần được thay đổi. Nhóm các nước Châu Phi này đề xuất như sau: Các thành viên của COPs sẽ sử dụng quy tắc đồng thuận nhằm đưa các hóa chất vào Phụ lục III. Tuy nhiên, nếu vẫn không đạt được sự đồng thuận sau một loạt nỗ lực, một quyết định cuối cùng có thể sẽ được đưa ra bởi ba phần tư (75%) các quốc gia thành viên.
Quan điểm các nước về đề xuất thay đổi mục 22
Buổi thảo luận dành phần lớn thời gian để thảo luận về đề xuất thay đổi Mục 22 của Công ước. Dưới đây là danh sách các thành viên đóng góp ý kiến trong buổi họp:
Các quốc gia ủng hộ việc thay đổi Mục 22 của Công ước với lí do nghi ngờ tính hiệu quả của công ước gồm nhóm 12 quốc gia Châu Phi (Botswana, Cameroon, Ghana, Kenya, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia, Nigeria, Swaziland, Tanzania và Zambia), Yemen, Cộng đồng Châu Âu (EU), Canada, Nhật, Columbia, Na Uy, Thụy Sĩ, Maldives. Bên cạnh đó còn có các tổ chức như IPEN, Hiệp hội Quốc tế của các tổ chức công đoàn (IndustriALL) và Mạng lưới Hành động chống thuốc trừ sâu (PAN).
Có 14 quốc gia phản đối việc thay đổi Mục 22 bao gồm các quốc gia lớn như Ấn Độ, Trung Quốc và Liên Bang Nga đều phản đối việc thay đổi Mục 22 khiến đề xuất này khó thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng thể hiện sự lo lắng nếu thay đổi quy trình hoạt động của Công ước do điều này có thể phá hỏng Công ước Rotterdam.
Nhóm các nước Châu Phi, nhận sự hậu thuẫn của các nước chống sử dụng amiăng, đang hoạt động rất tích cực nhằm loại bỏ cơ chế đồng thuận của Công ước Rotterdam. Nhóm này lấy danh nghĩa là đại diện cho toàn thể Châu Phi để hoạt động. Tuy nhiên, do sức ép của các thành viên, chính ngài chủ tịch Perrez đã phải đính chính lại đây chỉ là một nhóm nhỏ lẻ các nước của Châu Phi.