Sử-dụng-amiăng-trắng-an-toàn-và-có-trách-nhiệm-Viện-Nhà-nước-và-Pháp-luậtAmiăng trắng là loại sợi khoáng được sử dụng rất phổ biến trong công nghiệp từ hơn thế kỷ nay với những đặc tính ưu việt như bền, dai, chịu nhiệt, chịu ma sát, chịu lực, cách điện, cách âm, … hóa chất này được coi như là nguyên liệu lý tưởng cho nhiều vật liệu xây dựng, sản phẩm chịu ma sát như má phanh, các loại quần áo chịu nhiệt, hay trong công nghiệp hàng không, quốc phòng…
Tuy nhiên, cũng chính amiăng với các sợi siêu nhỏ tương đương từ 1/400 đến 1/2000 bề dày sợi tóc người, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, từ hàng chục năm nay đã được ngành y tế thế giới nhìn nhận như là một thủ phạm gây ung thư hàng đầu trong môi trường công nghiệp, từ nhiều thập niên trở lại đây. Việc xử lý các hậu quả của amiăng đối với sức khỏe con người là hết sức phức tạp, lâu dài và tốn kém. Ngoài những loại amiăng nâu (Amosite), amiăng xanh (Crocidolite amphibol) vốn dĩ đã bị cấm từ những năm 1980, thế giới nói chung cũng đã thận trọng hơn với việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm amiăng trắng (Chrysotile), chất được coi là ít nguy hiểm hơn so với các loại amiăng khác. Bên cạnh hơn 50 quốc gia trên thế giới cấm sử dụng hoàn toàn các loại amiăng, các nước khác cũng đề xuất quy trình quản lý chặt chẽ đối với việc khai thác, sản xuất, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng các sản phẩm có amiăng trắng.
Ở phạm vi toàn cầu, các nước đang tiến tới đàm phán và đồng thuận những quy trình kiểm soát amiăng trắng. Công ước Rotterdam về thủ tục thỏa thuận thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế. Tại hội nghị COP6 năm 2013, hơn 140 quốc gia đồng ý đưa amiăng vào Phụ lục III, tức các chất độc cần được quản lý chặt chẽ, phải tuân thủ cam kết thực hiện thủ tục thông báo trước đối với một số hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật nguy hại trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, điều này không thành sự thật vì có sự phản đối của năm quốc gia xuất khẩu amiăng là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Ukraina, Zimbabwe và hai nước nhập khẩu là Ấn Độ và Việt Nam. Đến hội nghị COP7 2015, số quốc gia phản đối đưa amiăng trắng vào Phụ lục III chỉ còn lại 4 là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Zimbabwe.
Tuy việc amiăng trắng được xếp vào Phụ lục III Công ước Rotterdam chưa được thông qua và chắc chắn sẽ còn tiếp tục tranh cãi về những cơ sở khoa học, thương mại và cả pháp lý, nhưng tại các quốc gia xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm amiăng trắng, hoạt động kiểm soát đều đã diễn ra. Trung tâm Cela, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã lựa chọn các nước Nga, Brazil, Mỹ, Canada, Ấn độ, Thái lan, Philippines và Việt Nam để thực hiện nghiên cứu so sánh khung pháp luật và thể chế về kiểm soát amiăng trắng. Kết quả nghiên cứu được trình bày dưới đây là một mong muốn góp thêm những cơ sở thông tin để xây dựng chính sách, pháp luật về sử dụng an toàn và có trách nhiệm amiăng trắng ở Việt Nam.
Download:Sử-dụng-amiăng-trắng-an-toàn-và-có-trách-nhiệm-Viện-Nhà-nước-và-Pháp-luật